Những truyền thuyết bí ẩn về Tháp Nhạn Phú Yên, bạn đã biết chưa?
Ngô Thị Kim Huệ
Th 4 26/05/2021
Nhắc về núi Nhạn, thì hẳn những người yêu mến mảnh đất xứ Nẫu đều không thể bỏ qua thắng cảnh danh bất hư truyền Tháp Nhạn, với những truyền thuyết từ xa xưa không phải ai cũng biết, và đó là những truyền thuyết gì, cùng Alla Travel tìm hiểu ngay bạn nhé!
Truyền thuyết nàng tiên nữ Thiên Y A Na
Tương truyền rằng ngày xưa có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần, chỉ dậy cho dân chúng xứ Chăm-pa cách mưu sinh, làm những nghề thủ công như kéo sợi, dệt vải, cấy cày…
Khi nhân dân đã ăn no mặc ấm, nàng Thiên Y A Na được hai chim hạc bay xuống đón về trời. Từ đó, người dân tưởng nhớ công ơn của bà, xây tháp Nhạn thờ phụng hàng năm vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch.
Truyền thuyết ông Trời cứu xứ Nẫu
Tháp Nhạn còn được biết đến với các tên gọi khác như núi Bảo Tháp, núi Nhạn Tháp, núi Tháp, núi Tháp Dinh tọa lac tại phía Bắc sông Đà Rằng, có độ cao 60m so với mực nước biển, nằm ở trung tâm thành phố Tuy Hòa.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, thuở xưa, Tuy Hòa là vùng đất đầm lầy, có nhiều thủy quái thường xuyên chọc phá cuộc sống người dân. Ông Trời phái người khổng lồ xuống gánh đất lấp vùng trũng, bảo vệ người dân. Khi việc đã gần xong, vì người khổng lồ vội bay về trời nên gánh nhiều đá hơn, làm chiếc đòn gánh bị gãy. Đá từ hai bên rơi xuống, một bên tạo thành núi Chóp Chài, bên kia tọa trên Núi Nhạn làm thành một ngọn tháp.
Truyền thuyết xây tháp Nhạn giữa quân Chiêm Thành và Đại Việt
Trong cuốn sử Việt Đại Nam thống nhất chí, tháp Nhạn được xây để thờ một vị hoàng hậu của vua Chăm-pa, vùng Khauchara. Nhưng một truyền thuyết khác nói về lịch sử hình thành tháp Nhạn được nhiều sự tán đồng.
Chuyện kể rằng vào năm Mậu Dần (1578) niên hiệu Quang Hưng nguyên niên, chúa Nguyễn phái ông Lương Văn Chánh (Phù Gia) vào Phú Yên dẹp loạn quân Chiêm Thành. Thời đó, quân Việt đóng ở núi Chóp Chài, còn quân Chiêm Thành đóng quân ở Núi Nhạn. Khi hai bên chuẩn bị lâm trận thì tướng Chiêm Thành lên tiếng thách đố quân Đại Việt cùng xây Tháp, bên nào xây xong trước thì thắng trận mà không phải đấu đao kiếm.
Ông Phù Gia nghe hợp lý bèn đồng ý với lời thách đấu của quân Chiêm Thành, vì không muốn làm hao binh tổn tướng. Nhận thấy tình thế bất lợi, không thể xây xong tháp trước đối phương sở hữu địa lợi, ông Phú Gia lệnh cho quân sĩ lấy gồ, lồ ô, tre làm khung tháp, lấy giấy dán làm tường, quét màu lên y như một ngọn tháp thật.
Ở phía đối diện, quân Chiêm Thành ngày đắp gạch, đào đất để xây tháp kỳ công hơn. Khi kỳ hạn kết thúc, tướng Chiêm Thành nhìn sang thấy bên này quân Việt đã xây xong một ngọn tháp cao sừng sững, còn phía mình vẫn chưa hoàn tất. Khuất phục trước tài trí của quân Việt, quân Chiêm Thành chịu thua.
Dù đã thắng nhưng ông Phú Gia sợ việc bại lộ, bên thách tướng Chiêm Thành rằng ai đốt tháp cháy hết trước thì sẽ thắng. Tướng Chiêm Thành gật đầu đồng ý, vì nghĩ ngọn tháp bên mình thấp hơn nên sẽ bén lửa cháy dễ dàng. Họ dùng mọi nguồn củi đốt ở núi Nhạn, đốt lửa cao kín cả ngôi tháp.
Thế nhưng do tháp của người Chiêm Thành được xây bằng gạch và đất, còn tháp của Đại Việt làm từ cây và tre nên chỉ sau một canh giờ, tháp của phía Đại Việt cháy trụi, còn tháp của quân Chiêm Thành càng cháy càng vững chắc. Sau đó, tướng Phù Gia lấy thành dễ dàng, ngọn Tháp Nhạn cũng ra đời từ đó.
Đó được cho là những tương truyền về sự xuất hiện của ngọn tháp. Còn tên gọi Tháp Nhạn được cho là bắt nguồn từ những con chim nhạn bay tới đây sinh sống, làm tổ, do đó ngọn tháp được đặt theo tên loài chim này.